Thứ Năm, 12 tháng 10, 2017

NHÂN DỊP LỄ GIỖ 5 NĂM CHA GIOAN BAOTIXITA NGUYỄN BÁ VI

NHÂN DỊP LỄ GIỖ 5 NĂM CHA GIOAN BAOTIXITA NGUYỄN BÁ VI
Mới hôm nào đây cha Gioan Baotixita nằm xuống (10/10/2012-10/10/2017), cha chính xứ Nghĩa Hòa, người cưu mang cha Nguyễn Bá Vi ở chặng đường cuối  cuộc đời đứng ra tổ chức một Lễ giỗ đơn giản mà rất đậm tình anh em trong giáo xứ, anh em bạn bè trong linh mục, bà con thân thuộc. Đển dự Thánh lễ đồng tế gồm có cha chánh xứ Giuse Nguyễn Đức Quang, cha Phương phó xứ Nghĩa Hòa, cha An nguyên phó xứ Khánh Hội, cùng hai cha Nguyễn Văn Hiền và Vũ Hữu Hiền là học trò thân thương của cha cố Gioan Baotixita.

Cha An là người giảng lễ, cha nhắc lại cuộc đời của cha Nguyễn Bá Vi, đúng là mục tử mà Chúa đã gọi, suốt cuộc đời ngài rày đây mai đó, “con chim có tổ, con cáo có hang. Nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” Chúa đã chọn đúng người môn đệ, người mục tử nhân lành.

Nhân dịp này, chúng tôi xin trích lại một đoạn viết về cuộc đời của cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Vi trong quyển Kỷ Yếu 150 năm thành lập Chủng Viện Thánh Giuse Saigon với đề tựa : “Tu là cội phúc”

…………………………………………..

Ở đây chúng tôi xin được phép nói về cuộc sống thật của một linh mục anh em trong suốt 38 năm sống đời linh mục. “Tu là cội phúc”. Đứng ở góc độ giáo dân nhìn vào đời sống của các vị linh mục họ cho rằng “cội phúc” bởi vì các vị không phải lo cơm áo gạo tiền, lo nuôi dạy con cái, đi đâu cũng được kẻ thưa, người trình, đi đâu cũng nghe tiếng chào hỏi: “Thưa cha, bẫm cha, bẫm cố…” Mọi người đều nhìn thấy cuộc sống rất ư là hạnh phúc, sung sướng của các vị linh mục ở các xứ đạo, họ ước mong cho con cháu của mình mai sau cũng sẽ trở thành linh mục để được hưởng vinh phúc mà Chúa đã ban cho như các linh mục hiện tại. Ngoài ra còn một điều mà hầu như đối với các bậc phụ huynh, ai cũng muốn cho con mình được đi tu làm linh mục để được hãnh diện với xóm làng, với dòng họ và để giúp đỡ về tinh thần cũng như vật chất. Nhưng thực ra có ai biết được rằng các vị linh mục chân chính ấy, ngày đêm phải vác Thánh giá theo con đường thập tự mà Đức Kitô là Thầy, là Mục Tử Chăn Chiên Lành đã thể hiện trong suốt 33 năm nhập thể làm người.

Phần lớn các vị linh mục có cuộc sống ổn định, có nhiệm sở để thi hành sứ vụ mục tử, nhưng cũng có một số linh mục, nhất là sau thời kỳ đổi mới của đất nước. Có những vị phải vác, ngoài Cây Thánh giá được trao phó bởi Thầy Kitô, còn phải vác thêm những thập hình của xã hội, thế mà trong suốt quảng đời phục vụ Nước Chúa không mấy khi được bất cứ ai trong anh em hiểu và chia sẻ…  Điều đó có mấy ai biết được  những gì đã xảy ra trong suốt chặng đường làm linh mục khổ đau của các vị ấy!

Ở đây chúng tôi muốn nêu lên điển hình, một trong rất nhiều trường hợp tương tự xảy ra trong cuộc đời làm linh mục. Đó là cuộc đời của vị linh mục xuất thân từ Chủng viện Thánh Giuse Saigon, người vừa mới qua đời ngày 10 tháng 10 năm 2012 ở tuổi 73, chính là cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Vi, lớp 55. Trúng tuyển vào Chủng viện Thánh Giuse năm 1955, học hết Tiểu Chủng viện sang Đại Chủng viện, và hai năm sau đi giúp xứ (còn gọi là đi thử). Qua thời gian thử thách, cha xin được chuyển sang Đại Chủng viện Sulpice thuộc giáo phận Đà Nẵng. Để rồi vào ngày 18 tháng 7 năm 1974, cha được thụ phong linh mục và được bổ nhiệm về giáo xứ An Sơn, Đà Nẵng. một giáo họ nằm trên lưng đồi cao khoảng 300 mét, một nơi rừng sâu heo hút, đầy muông thú, đêm đêm nghe tiếng nhạc véo von của nhạc đoàn nhái bầu, tiếng kêu oang oang của chim vạc ăn đêm, tiếng vượn hú và đôi khi còn nghe cả tiếng rền vang của chúa tể sơn lâm.

Với sức trai đầy nhiệt huyết, cha đã hăng say lao vào công việc mở mang nước Chúa, chính cha đã đẩy từng bao xi măng trên chiếc xe đạp cọc cạch từ dưới chân sườn núi cao trên 300m để xây dựng nhà thờ An Trường, một ngôi Thánh đường và ngôi trường Trung học khang trang dành cho các em học sinh quanh vùng. Nhà thờ được khánh thành và trường học được khai giảng chẳng bao lâu thì biến cố 1975 ập đến, đất nước đổi thay, cuộc đời linh mục của cha Gioan Baotixita cũng thay đổi theo. Cha bị bắt nạt từ tinh thần cho đến vật chất,  nhiều lúc cha phải ẩn mình  làm anh thợ thiến heo để đến giải tội, đem Mình Thánh, xức dầu Thánh cho những ai cần đến, cha đã nói với các giáo dân: “Ngày cũng như đêm đều có bước chân âm thầm của tôi trên giáo khu của các anh chị em.” Xã hội lúc bấy giờ càng ngày càng khó khăn, cho đến một ngày cha Gioan Baotixita không thể ở lại phục vụ cho giáo xứ An Sơn, nên đành phải gạt nước mắt ra đi trước sự lưu luyến của tất cả giáo dân lúc bấy giờ.

Trở về miền Nam, cha tìm mọi cách để mưu sinh, nào là dạy kèm anh văn, chạy xe ôm, cha cũng đã nhiều lần đến gõ cánh cửa giáo quyền để  tìm một nơi nương thân ngõ hầu được tiếp tục thực thi sứ vụ của người mục tử mà Thiên Chúa đã trao cho cha. Rất tiếc lần nào cũng đều im hơi lặng tiếng, hoặc những lời hứa suông bằng miệng để tránh trách nhiệm sau này, cuối cùng không nơi nào tiếp nhận “tiếng kêu trong sa mạc” của linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Bá Vi. Thế là cha đành từ giã thành phố thân yêu, nơi có rất nhiều kỷ niệm thời thơ ấu của cha, nơi mà đã bao năm cha được đào tạo và nung đúc để trở thành viên đá kết nối mọi người với Thầy Giêsu và với Giáo hội. Cha đành cất bước ra đi như xưa kia gia đình Thánh Gia tìm đường lánh nạn sang xứ Ê-gíp-tô! Cha chỉ còn con đường duy nhất là về miền Tây, nơi có dòng Cửu Long Giang êm đềm chảy, có những mảng lục bình trôi, có những tấm lòng nhân ái, dịu hiền, dám đứng ra cưu mang kẻ chăn chiên lành bị chê bỏ trong thời kỳ khó khăn trắc trở và chính nơi đó có thể là nơi cuối cùng ấp ủ cuộc đời linh mục của cha.

Đúng vậy, Thánh Ý Chúa nhiệm mầu, qua bàn tay che chở của Mẹ Maria dấu yêu cùng với Cha Thánh Giuse, các Ngài không thể nhắm mắt làm ngơ trước cảnh khổ đau của đứa con ngoan hiền của mình. Cha Gioan Baotixita sau một thời gian dài rong ruổi trên mảnh đất trù phú của đồng bằng sông Cửu Long, cha đã được Thiên Chúa hướng dẫn cho một chỗ nương thân, đó là mảnh vườn trồng xoài của một người bà con với một linh mục anh em cùng lớp với cha. Ông chủ vườn xoài cho cha cất tạm một căn nhà lá lụp xụp vừa đủ che mưa, tránh gió. Ở đó cha đã làm đủ mọi công việc, nuôi dê bán sữa, hằng ngày phải đạp xe đi cắt cỏ trên 3, 4 cây số, cũng vì thế mà bà con lối xóm quanh vùng gọi cha là “Ông năm dê”, Sau khi nuôi dê thất bại, cha lại nuôi thỏ, nuôi thỏ là một nghề rất vất vả, rau cỏ cho thỏ ăn phải sạch và nhất là không được ẩm ướt. Mỗi sáng phải đạp xe ra tận cánh đồng ruộng xa mới có cỏ non, cắt cỏ về rửa sạch sẽ để cho khô ráo mới cho thỏ ăn. Thế là cha lại có thêm cái tên khác là: “Ông năm thỏ”. Thời gian nuôi thỏ khoảng 3 năm, cuối cùng bầy thỏ lần lượt chết hết. Thế là vốn liếng cũng cạn, cha quay sang làm nghề hớt tóc, là một nghề mà cha Gioan Baotixita đã học từ trong Tiểu Chủng Viện Thánh Giuse Saigon, nên gặp tình huống nào cha cũng có thể sử dụng được. Vậy là cha lại được thêm một cái tên mới nữa: “Ông năm hớt tóc”.

Mười lăm năm dài, cha ẩn mình nơi xa xôi hẻo lánh, mọi người hầu như lảng quên, cha được vào hộ khẩu, làm CMND, và kể từ đó cha được danh chính ngôn thuận, đường đường chính chính, được làm một người công dân hợp lệ sống trong một đất nước tự do và hạnh phúc. Nói đến đây phải ghi nhớ và cám ơn gia đình ông Ba đã cưu mang cha trong suốt chặng đường hoạn nạn. Suốt thời gian dài sống ở Đồng Tháp, không một ai biết cha là linh mục, chỉ trừ có cha xứ Kiến Văn và Hội đồng Mục vụ giáo xứ. Những năm tháng sống chui rúc, lang thang đó đây, với số tiền dành dụm cha sắm được một chiếc xe gắn máy cũ (Honda Dream lùn) mà mãi đến những giờ phút sau cùng trước khi cha ra đi vĩnh viễn, nó vẫn trung thành theo cha trên mọi nẻo đường từ Saigon đến Đồng Nai, Tam Hiệp – Đồng Tháp – Long An… Cha rong ruổi từ giáo xứ Khánh Hội đến giáo xứ Nghĩa Hòa. Hai cha chính xứ của hai xứ đạo đều là những bậc đàn em của cha nên các ngài đã tận tình cưu mang, vì thế những năm tháng về sau này cuộc sống tinh thần của cha Gioan Baotixita cũng được ủi an phần nào.

Mười hai năm phục vụ giáo xứ Khánh Hội, tám năm ở Nghĩa Hòa, cha là một người trợ lý vô danh, mọi công việc các cha chính xứ giao cho, ngài đều thi hành một cách chu đáo. Cha Gioan Baotixita còn là một nghệ sĩ tài hoa, ngài biết đàn, biết dạy vũ, và nhất là có biệt tài đắp tranh gạo, khi ngài nằm xuống thì mọi người mới biết được biệt tài hiếm có này qua những bức tranh tuyệt tác của ngài dành tặng cho hai cha đã cưu mang ngài trong những năm tháng cuối đời!

Cha Gioan Baotixita sống một đời sống khó nghèo, của cải duy nhất của cha chỉ là chiếc xe gắn máy cũ kỹ, nó là người bạn chí cốt của cha, đồng hành với cha trên suốt con đường đi rao giảng Tin Mừng, nơi nào có nhu cầu dạy giáo lý,  giải tội, xức dầu Thánh, v,v… là ở đó có cha. Cuộc đời linh mục của cha không thể gọi là “Cội phúc” như người đời nhầm tưởng. Cha chính là một linh mục lang thang, nghèo khó, từ sau ngày thống nhất đất nước, cha không có được một nhiệm sở chính thức nào, sống rày đây mai đó, không có một chỗ nương thân, cha tự ví mình là một cánh hoa dại, không hương, không sắc màu, sống chen chúc giữa một cánh đồng cỏ xanh tươi cùng với biết bao cành hoa dại khác, hương thơm chính là hương mùi cỏ dại. Cuộc đời của linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Bá Vi đúng như lời Chúa đã nói: “Con chim có tổ, con cáo có hang, con người không có chỗ dựa đầu!”

Cha là một tấm gương hy sinh, chịu đựng về thể xác, những lúc bịnh tim tái phát, cha oằn oại trong những cơn đau thắt ngực, nhưng không một tiếng rên la, người ta chỉ nhìn thấy trên nét mặt nhăn nhó đủ để biết cha đang chịu đựng một sự đau đớn dữ dội biết chừng nào! Nhưng tất cả đều do Thánh ý Chúa quan phòng, Ngài không để cho con cái của mình phải chịu những đau khổ, những thiếu thốn, những mất mát về tinh thần lẫn vật chất, lâu dài hơn nữa!  Ngài đã gọi cha Gioan Baotixita về với Ngài.  Từ lúc cha lâm trọng bệnh, hai cha chính xứ Khánh Hội và Nghĩa Hòa hết sức chăm lo và săn sóc cho cha, một số các giáo dân yêu thương tự nguyện đến chăm sóc cha ngày đêm trên giường bệnh trong những ngày cuối đời. Khi cha Gioan Baotixita nằm xuống, hai vị chính xứ đồng lo tang lễ. Hàng trăm giáo dân của hai giáo xứ thay phiên túc trực ngày đêm bên quan tài để đọc kinh, cầu nguyện cho cha.

Trong bài giảng những ngày quàn tại Giáo xứ Nghĩa Hòa,  cha Giuse Nguyễn Đức Quang, linh mục chính xứ Nghĩa Hòa, Hạt trưởng hạt Chí Hòa, đã nói về đời sống rất đơn sơ của cha giáo Gioan Baotixiata, Cha mang bệnh tim rất lâu rồi nhưng không một lời than vãn, cha vẫn âm thầm lặng lẽ phục vụ. Cha Chánh xứ  Khánh Hội còn cho biết thêm dù mưa to gió lớn đến đâu cha Gioan Baotixita vẫn đến, không hề bỏ một buổi dâng Thánh Lễ nào. Cha thường hay tới sớm khi cửa nhà thờ chưa mở, lúc đó cha nằm trên yên xe ngủ, có lần mất cả nón bảo hiểm, cũng có lần bị ngộ nhận là bác xe ôm, Cha chỉ mĩm cười…..  Cha là người thật giản dị như thế đó.

Ngày 18/07/2012  vừa qua, kỷ niệm 38 năm thụ phong LM của cha giáo Gioan Baotixita, giáo dân Gx Nghĩa Hòa đã hiệp Dâng Thánh Lễ cùng cha  để Tạ ơn Thiên Chúa, trong bài giảng cha  nói: “Tôi đã được Chúa trao cho đến nay là 38 nén bạc, nhưng 38 nén bạc Chúa đã trao, tôi lại không làm sinh lợi cho Chúa.” Quả là cha quá khiêm nhường.

Chẳng bao lâu sau ngày lễ kỷ niệm 38 năm Linh Mục, cha đã ra đi rời xa chúng ta thật quá bất ngờ, đã để lại niềm thương tiếc vô biên trong lòng mỗi người, những anh em đồng song, đồng môn và nhất là những tín hữu trong các xứ đạo mà cha đã tận tụy âm thầm phục vụ biết bao năm qua, nhất là trong giờ hành lễ“Lòng Thương Xót của Chúa”  giờ thiếu vắng cha,  lại càng nhớ cha không nguôi.

Cha giáo vẫn nhận mình là cánh hoa dại, di chúc của ngài ai đọc cũng rơi nước mắt vì yêu thương cha. Ngài  đã nói lên  tâm hồn của mình : đơn sơ, nhỏ bé như Thánh nữ Têrêsa.

Để ủi an trong cuộc đời tận hiến của cha Gioan Baotixita, và để xoa dịu những gì mà trước kia cha phải gánh chịu, sống những tháng ngày lang thang của một vị mục tử: Ngày tiển đưa cha lên đường, một Thánh Lễ đồng tế long trọng với sự hiện diện của Đức Giám Mục Phụ Tá Tổng Giáo Phận Saigon Phêrô Nguyễn Văn Khảm chủ lễ, với trên năm mươi vị linh mục thuộc giáo hạt Chí Hòa, các cha đồng môn, các cha bạn hữu, các cha học trò thân yêu cùng với bà con, bạn bè thân thuộc, và gần một ngàn giáo dân hai giáo họ đến tham dự, đầu chít khăn tang trắng xóa như đàn cò trắng đậu trên cánh đồng Tràm Chim, là nơi mà mấy năm trước ngài đã lánh nạn.

            Thực hiện ước nguyện của cha, cộng đoàn dân Chúa hai giáo xứ Khánh Hội và Nghĩa Hòa cùng các bà con thân thuộc, bạn bè thân hữu đã tiển đưa linh cửu cha về an nghỉ tại Đất Thánh Đaminh thuộc Gx Đaminh, Giáo phận Xuân Lộc.

Cha Gioan Baotixita đã nằm xuống để lại cho hàng vạn con tim của giáo dân hai giáo xứ, cho những thân bằng quyến thuộc, cho những bạn bè thân hữu:  tấm gương về cuộc sống thầm lặng của ngài – một tấm gương chiếu rọi cho chúng ta nhìn thấy Đức Tin của người linh mục khả ái đã hiến dâng trọn cuộc đời của mình trong niềm tin vào Đức Kitô đang hiện diện nơi xã hội này.

Xin tất cả chúng ta  hãy nhìn tấm gương sống chân thật âm thầm của cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Vi, ngài đã đem ánh sáng Đức Tin, đem tin mừng của Chúa Kitô truyền đến cho mọi người không phân biệt lương giáo, cha đã đem đời sống khó nghèo, đem yêu thương đến cho mọi người và mọi nơi, những nơi mà ngài đã đặt chân tới.

Chúng tôi mất đi người bạn, một người anh em, nhưng Thiên Chúa có được người con ngoan hiền, trung thành vác Thánh Giá đến hơi thở cuối cùng như xưa kia Đức Kitô đã chết trên Thánh Giá ấy.

Lạy Chúa xin dẫn đưa người anh em, người  mục tử nhân lành của Cha về với Cha trên Thiên Đàng. Amen
Nguồn http://exlurosg.net/?p=9885
 

Chủ Nhật, 1 tháng 10, 2017

LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI - BỔN MẠNG CĐ THIÊN THẦN - KỶ NIỆM 35 NĂM THÀNH LẬP CA ĐOÀN

  LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI - BỔN MẠNG CĐ THIÊN THẦN -   KỶ NIỆM 35 NĂM THÀNH LẬP CA ĐOÀN


“ Thiên Chúa là Ngôi Lời Hằng Sống, hiện diện ở  trên trần gian qua cung lòng Đức Trinh Nữ Maria”. Xin Đức Mẹ gìn giữ Giáo xứ và cầu nguyện cho các gia đình, ông bà anh chị em.
  Đó là lời của Cha Giuse Nguyễn Văn Cung Bề trên Tổng Quyền Tu Đoàn Thừa Sai Thánh Mẫu Chúa Cứu Thế (SMMR). Thánh lễ đồng tế được cử hành vào lúc 17h00 chiều thứ bảy ngày 30 – 09 – 2017 tại GX. Nghĩa Hòa, đồng tế với Ngài có Cha chánh xứ Giuse Nguyễn Đức Quang và cha phó Gioan Bosco Phạm Văn Phương.
Trong bài Tin Mừng hôm nay Cha Giuse chia sẻ “ Mẹ được tuyển chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Mẹ đã cưu mang trong lòng Ngôi hai Thiên Chúa rồi đi thăm bà Elizabeth và được ca ngợi là Mẹ có phúc. Mẹ sống  cuộc đời xin vâng và thực thi theo thánh ý Chúa.
Tất cả mọi người đều ngạc nhiên về chuổi Mân Côi và thực hiện môt cách cụ thể cho Ngôi Hai xuống Thế làn người. Ngài đã di khắp nơi để rao giảng Tin Mừng của Chúa , chữa lành, rồi đón nhận sứ vụ khổ hình thập giá,sau cùng là cái chết, rồi Phục Sinh vinh quang . Hôm nay cùng với Cha xứ và Cha phó cùng với ca đoàn mừng bổn mạng Thiên Thần Hộ Thủ và kỷ niệm 35 thành lập.
Phần phụng vụ và dâng lể vật lên Thiên Chúa. Cuối thánh lễ anh Đoàn Trưởng Martino CĐ Thiên Thần có lời cám ơn Quý Cha ,Quý  Đại diện Ban Điều hành và cộng đoàn.
Thánh Lễ kết thúc lúc 18h00 mọi người ra về với niềm vui của ngày Mẹ Mân Côi với mệnh lệnh:
-          Ăn năn tội cải thiện đời sống
-          Tôn sung Trái Tim vẹn sạch Đức Mẹ
-          Lần Hạt Mân Côi




















































KHI LINH MỤC......KHÓC